Người con Vĩnh Phúc tham gia gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Trung Phi
Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Hiếu là học sinh khóa đầu của Trường Chuyên Vĩnh Phúc. Anh cũng là một trong những học sinh được tỉnh Vĩnh Phúc vinh danh nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Trường Chuyên Vĩnh Phúc (2022). Nhưng thật bất ngờ khi thông qua một người bạn thân của anh, tôi được biết anh tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, anh Hiếu có bố và hai bác đều tham gia kháng chiến chống Mỹ, trong đó có bác cả là Liệt sĩ. Ngay từ nhỏ, anh đã quyết tâm học tập với mong muốn được tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình. Năm 1998, anh thi đỗ vào Học viện Kỹ thuật Quân sự. Sau khi ra trường phục vụ trong Quân chủng Phòng không – Không quân, anh đã không ngừng học tập, phấn đấu và đã đạt học vị Tiến sĩ. Trong quá trình công tác anh đã tham gia nhiều đề tài khoa học từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước, viết nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chụp ảnh cùng các sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc
Vốn là người sống kín đáo, ít khi nói về mình đúng với phong cách của một người làm nghiên cứu trong lĩnh vực Kỹ thuật Hàng không nên phải sau một số lần trao đổi, tôi mới được anh chia sẻ cơ duyên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
Anh kể những lúc nghỉ ngơi ngoài giờ làm việc tại Học viện Phòng không - Không quân, anh thường lên mạng vừa để củng cố thêm tiếng Anh vừa nắm bắt thêm tình hình thế giới thông qua các cuộc họp báo của Liên hợp quốc hay các Video về các điểm nóng trên thế giới. Anh thấy nhiều nơi còn xung đột, chiến tranh, nhân dân nhiều nơi còn khó khăn, đói khổ... Đặc biệt, qua truyền thông, anh thấy hình ảnh những người chiến sĩ gìn giữ hòa bình Việt Nam với cờ đỏ sao vàng trên ngực áo luôn được đồng nghiệp quốc tế và nhân dân địa phương nước sở tại tôn trọng, đánh giá cao. Điều này đã khơi dậy trong anh mong muốn được đóng góp sức mình vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đồng thời cũng đóng góp phần nhỏ bé vào chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đảng và nhà nước.
Vào năm 2022 khi Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam gửi công văn về Học viện Phòng không-Không quân tuyển người tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nhận thấy mình đủ điều kiện về trình độ, ngoại ngữ, sức khỏe… anh đã tình nguyện đăng ký. Khi sang bên Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, anh đã được các Thủ trưởng tạo điều kiện tham gia các khóa học về gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc hỗ trợ, đặc biệt anh còn được tham gia các cuộc diễn tập rất quan trọng về gìn giữ hòa bình. Đây chính là hành trang để anh tự tin tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình. Và nguyện vọng của Thượng tá Nguyễn Sỹ Hiếu thành sự thật vào tháng 4 năm 2024 khi Liên Hợp Quốc chấp thuận anh làm Sĩ quan Quan sát viên Quân sự tại phái bộ Cộng hòa Trung Phi.
Trao đổi với đồng nghiệp trước khi đi khảo sát thực địa
Tại Cộng hòa Trung Phi anh được phân về Teamsite 202 tại Phân khu Trung tâm. Với đặc thù công việc của Sĩ quan Quan sát viên Quân sự phải đi thực địa tiếp xúc trực tiếp với người dân để tìm hiểu về tình hình đời sống, giáo dục, an ninh cũng như nhu cầu, nguyện vọng… của người dân để kịp thời báo về Phái bộ để có phương hướng, biện pháp hỗ trợ người dân. Trong khi đó cộng đồng dân cư nơi đây chủ yếu nói tiếng Pháp và tiếng Sango. Do vậy, ngay từ ngày mới đến anh đã tập trung học tiếng Pháp từ đồng nghiệp và từ chính người dân địa phương để phục vụ tốt hơn cho nhiệm vụ của mình.
Phỏng vấn người dân địa phương
Trong quá trình công tác, để thuận lợi hơn trong việc tiếp xúc với người dân, anh cùng các đồng nghiệp tại Teamsite 202 thường xuyên có các buổi giao lưu với chính quyền, giáo chức, người dân địa phương để tăng cường mối quan hệ.
Giao lưu với các giáo chức Hồi giáo và nhân dân địa phương
Ngoài giờ làm việc anh cũng thường xuyên giao lưu với đơn vị quân đội của Pakistan và đơn vị cảnh sát của Senegal. Trong những buổi giao lưu ấy anh trao đổi với đồng nghiệp nước ngoài về lịch sử, văn hóa, ẩm thực… của Việt Nam. Các bạn quốc tế rất ấn tượng và cảm phục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam trước kia và sự phát triển thần kỳ của kinh tế Việt Nam hiện nay. Mỗi người đều có mong muốn được có cơ hội đến thăm và trải nghiệm tại đất nước Việt Nam tươi đẹp và hiếu khách.
Khi được hỏi về những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ tại Cộng hòa Trung Phi-nơi được coi là một trong những đất nước nghèo và nguy hiểm nhất thế giới, anh chia sẻ: “Đến làm nhiệm vụ tại nơi đang xung đột, khó tránh khỏi cảm giác lo lắng về những nguy hiểm sẽ phải đối mặt. Những kỹ năng huấn luyện trước khi lên đường giúp tôi hình dung tương đối đầy đủ về tình hình phái bộ và những nguy cơ có thể xảy đến. Chúng tôi được học các tình huống dự kiến như phái bộ bị tấn công hoặc bị lạc và kỹ năng sinh tồn. Ngay từ quá trình di chuyển từ Việt Nam sang Cộng hòa Trung Phi cũng như quá trình di chuyển để nhận nhiệm vụ trong Cộng hòa Trung Phi cũng gặp rất nhiều tình huống xảy ra từ mất, thất lạc hành lý, máy bay của Liên Hợp Quốc gặp sự cố. Đến việc trong quá trình đi thực địa tìm hiểu tình hình người dân địa phương gặp những cơn mưa lớn, xe ô tô của Teamsite bị lầy, cả Teamsite phải xử lý cả đêm giữa rừng già Trung Phi với muỗi, vắt và thú dữ rình mò.”
Đường xá tại Cộng hòa Trung Phi
Tuy nhiên, vượt qua nỗi nhớ nhà mới là điều khó khăn hơn bất kỳ điều kiện ngoại cảnh nào. Những lúc tạm ngưng công việc, anh lại tranh thủ gọi về nhà để được trò chuyện với người thân trong gia đình. Điều này đã động viên anh rất nhiều, giúp anh càng vững tin hơn khi thực hiện nhiệm vụ tại nơi cách quê hương hơn 10.000 km.
Vượt lên trên tất cả tôi thấy được trong ánh mắt anh sự tự hào về công việc mà anh đang cống hiến, sự tự hào về quê hương, đất nước. Đúng như chia sẻ của anh trên mạng xã hội: Càng đi, càng thấy thấy tự hào, càng thấy yêu quê hương đất nước, càng trân quý những di sản mà các bậc tiền nhân để lại.
Thượng tá NGUYỄN SỸ HIẾU (từ MINUSCA-CHTP)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Đội Công binh dựng lớp học, sửa thuyền giúp người dân Abyei
30/07/2024Đội Công binh Việt Nam tham gia Phái bộ An ninh Lâm thời Liên hợp quốc ở Abyei (UNISFA) đã tiến hành một chuỗi các hoạt động nhân đạo xây dựng lớp học, sửa thuyền hỗ trợ người dân Abyei vượt qua khó khăn trong mùa mưa lũ.
Lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam treo cờ rủ, lập bàn thờ tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
25/07/2024Từ các Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở khu vực Abyei, Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Các đơn vị Việt Nam và tổ công tác tại địa bàn đã treo cờ rủ, lập bàn thờ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để tưởng nhớ và bạn bè quốc tế tới viếng, chia buồn vào dịp Quốc tang.
Việt Nam là Liên hợp quốc với cả trái tim!
17/07/2024Ở đâu có bộ đội, ở đó có công tác dân vận. Thực tế này còn được minh chứng rõ nét ở khu vực Abyei - vùng đất rộng hơn 10.000km2 đang trong tình trạng tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan - nơi có các quân nhân Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ). Các hoạt động dân vận bắt đầu từ năm giữa năm 2022 khi Đội Công binh số 1 (ĐCB1) được triển khai tới Abyei nhưng tới nay người dân ở đây đã ghi nhận: Việt Nam là LHQ với cả trái tim.
Phái bộ UNISFA đánh giá cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của Đội Công binh Việt Nam
02/07/2024Ngày 1-7 (giờ địa phương), đoàn công tác của Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại khu vực Abyei (UNISFA) đã tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực của Đội Công binh Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn Phái bộ.