Người gắn liền với những dấu ấn của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam
Gắn bó với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam ngay từ những ngày đầu trên cương vị là một trong hai sĩ quan Quân đội nhân dân đầu tiên được cử tới Phái bộ Nam Sudan năm 2014, Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là người gắn liền với những dấu ấn của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam trên hành trình vì hòa bình suốt 10 năm qua.
Nhân dịp 10 năm Ngày truyền thống của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (27-5-2014 / 27-5-2024), Đại tá Mạc Đức Trọng đã dành cho báo chí cuộc trả lời phỏng vấn.
Phóng viên: Xin Đại tá chia sẻ những cảm xúc đặc biệt của mình trong suốt quá trình gắn bó với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam?
Đại tá Mạc Đức Trọng: Thật sự khi xem lại những hình ảnh, thước phim tư liệu, thấy mình đều có ít nhiều dấu ấn ở nơi đó, là điều rất thú vị. Tôi nhớ như in những hoạt động đầu tiên khi tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, đặt chân lên phái bộ như thế nào. Cả quá trình trong khoảng thời gian đầu ấy, tôi nhớ từng bước chân đã đi qua, từng nơi tôi tới và cả những người tôi gặp.
Nơi chúng tôi tới thực hiện nhiệm vụ đều là những nơi “điển hình” nhất trong hoạt động gìn giữ hòa bình, đặc biệt trong vấn đề bảo vệ dân thường. Chứng kiến xung đột sắc tộc, đụng độ giữa các phe phái, không có giới tuyến, không phân biệt dân thường, phụ nữ hay trẻ em... là điều ai được trải qua một lần cũng đều không thể quên. Cũng nhờ những trải nghiệm đó, chúng tôi càng hiểu hơn giá trị và ý nghĩa của nhiệm vụ quốc tế mà mình đang tham gia.
Chừng 4 năm sau khi hoàn thành nhiệm vụ sĩ quan liên lạc ở Phái bộ Nam Sudan, tôi có cơ hội quay lại đất nước này với vai trò trưởng đoàn tiền trạm, khảo sát và làm công tác chuẩn bị cho việc triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 đầu tiên của Việt Nam tới Nam Sudan. May mắn tôi gặp lại một số bạn bè, đồng nghiệp cũ từng có nhiều kỷ niệm với nhau và nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình trong công việc.
Sau này, khi đảm nhận vị trí Đội trưởng Đội Công binh số 1 Việt Nam lần đầu tiên triển khai tới khu vực Abyei, lại là những trải nghiệm khác đầy ý nghĩa đối với tôi. Sự tôn trọng của bạn bè quốc tế, đồng nghiệp ở phái bộ, những tình cảm yêu mến, biết ơn của chính quyền và người dân địa phương chính là “phần thưởng” quý giá đối với chúng tôi.
Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Phóng viên: Trên hành trình 10 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam hẳn là có nhiều dấu mốc đáng nhớ, thưa đồng chí?
Đại tá Mạc Đức Trọng: Trước hết phải kể tới ba mốc chính trong 10 năm qua. Đó là triển khai hai sĩ quan cá nhân đầu tiên vào năm 2014, triển khai đơn vị đầu tiên là Bệnh viện dã chiến cấp 2 vào năm 2018 và triển khai Đội Công binh số 1 vào năm 2022. Những mốc thời gian này cho thấy, cứ 4 năm chúng ta nâng lên một bước về quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Trong 10 năm, từ hai sĩ quan đầu tiên triển khai tới Nam Sudan, đến nay Việt Nam đã cử hơn 800 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp triển khai theo hình thức cá nhân và đơn vị, trong đó có 114 lượt sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân. Đối với các vị trí cá nhân, chúng ta có tỷ lệ các cán bộ hoàn thành đặc biệt xuất sắc - tiêu chí cao nhất (theo 5 cấp của Liên hợp quốc) đạt hơn 30%. Đây là tỷ lệ rất cao so với mặt bằng chung của các quốc gia tham gia gìn giữ hòa bình, cho thấy tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao, nhiệt tình và trách nhiệm trong quá trình công tác của các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ở hình thức đơn vị, Việt Nam cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh, là những lĩnh vực khó, để triển khai được không phải đơn giản và không phải quốc gia nào cũng làm được. Đối với Bệnh viện dã chiến cấp 2, chúng ta có lợi thế là Quân đội Việt Nam tự đào tạo được nguồn lực quân y, đây là điều không nhiều quốc gia đáp ứng được. Việc triển khai thành công Đội Công binh tới địa bàn khu vực Abyei, với quân số 184 cán bộ, quân nhân, cùng số lượng trang thiết bị rất lớn với gần 150 loại xe, máy..., tổng số hàng hóa mang theo lên tới hơn 2.200 tấn, mà chỉ trong một tháng, là điều gây bất ngờ ở Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei).
Tôi còn nhớ khi toàn bộ đội hình cùng các phương tiện, hàng hóa đã triển khai đầy đủ tới khu vực ít ngày thì được lệnh di chuyển tới căn cứ đóng quân Highway. Khu vực đơn vị đang ở tạm thời hôm trước chưa có lệnh di chuyển còn ngồn ngộn hàng hóa, xe, máy, hôm sau đã trống trơn.
Chúng ta đã rất chủ động về con người và phương tiện, chuyên nghiệp trong khâu tổ chức để cơ động nhanh chóng tới căn cứ đóng quân. Việc triển khai số lượng lớn quân nhân, xe, máy và hàng hóa như vậy rất khó. Ở phái bộ Abyei, có những quốc gia sau 2 năm vẫn chưa triển khai xong một đơn vị, trang thiết bị vẫn chưa sang được đến nơi.
Với bệnh viện dã chiến, trong điều kiện khó khăn ở Nam Sudan nhưng chúng ta vẫn đạt được thành tích cao. Nếu Bệnh viện dã chiến cấp 2 “tiền nhiệm” chỉ tiếp nhận 200-300 bệnh nhân, thì từ khi Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam triển khai đến phái bộ, một năm chúng ta tiếp nhận từ 1.200 đến 2.000 bệnh nhân. Con số này cho thấy bệnh viện của Việt Nam có năng lực cao, tinh thần phục vụ rất tốt mới thu dung và điều trị được số lượng bệnh nhân lớn như vậy.
Với đội công binh tại Abyei, Tư lệnh Phái bộ UNISFA, Phó tổng Thư ký Liên hợp quốc khi đến thăm đều đánh giá đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt mong đợi của Liên hợp quốc, làm thay đổi diện mạo ở khu vực Abyei. Không chỉ hoàn thành rất tốt, rất nhanh, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ trong những tình huống, điều kiện khó khăn, chúng ta còn thực hiện các chương trình từ thiện, nhân đạo giúp cải thiện cuộc sống của người dân địa phương.
Phóng viên: Để tiếp nối những thành công trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tiếp tục tham gia ngày càng sâu rộng vào lĩnh vực này, chúng ta cần có những hướng đi và biện pháp như thế nào trong những năm tới?
Đại tá Mạc Đức Trọng: Có thể nói rằng, việc chúng ta ngày càng mở rộng về số lượng cũng như lĩnh vực tham gia trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đang tạo ra những thách thức về tạo nguồn cán bộ. Hiện nay, cơ chế được tuyển các cán bộ trong toàn quân để tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình cũng là một biện pháp hiệu quả, giúp có nguồn cán bộ rất lớn từ các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, các học viện, nhà trường...
Nhưng điều trở ngại đáng kể nhất vẫn là ngoại ngữ. Việc phải làm sao để tuyển được đội ngũ cán bộ vừa có chuyên môn, vừa có ngoại ngữ song hành vẫn là điều khó khăn trong suốt 10 năm qua. Chúng ta luôn phải nỗ lực để tìm ra những cán bộ có năng lực nhất, phù hợp nhất với từng nhiệm vụ, đáp ứng các vị trí cụ thể.
Hiện chúng ta vẫn đang thúc đẩy kế hoạch mở rộng các vị trí cá nhân, tiếp tục tìm kiếm các phái bộ mới mà Việt Nam có khả năng cử quân, nhưng với mục tiêu phải triển khai ít nhất 3 cán bộ tại một thời điểm ở một phái bộ, để tạo ra một tập thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau, đồng thời thành lập chi bộ để các đồng chí có điều kiện sinh hoạt Đảng.
Về mở rộng loại hình đơn vị, chúng ta đang nghiên cứu những loại hình phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Quân đội, như kiểm sát quân sự, bảo vệ sở chỉ huy... Tuy nhiên, việc triển khai rất khó khăn vì tính cạnh tranh giữa các quốc gia rất cao. Hiện nay trong hệ thống đăng ký của Liên hợp quốc cho các vị trí cấp đơn vị luôn có hàng chục quốc gia. Do đó, để được chọn lựa và triển khai được, chúng ta phải có bước chuẩn bị rất lâu dài, kỹ lưỡng.
Phóng viên: Bên cạnh mục tiêu làm tốt công tác triển khai lực lượng, bảo đảm chất lượng và hiệu quả tham gia, chúng ta còn một mục tiêu quan trọng là đưa Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phát triển thành một trong những trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình hàng đầu khu vực. Trong 10 năm qua, đơn vị đã thúc đẩy mục tiêu này như thế nào, thưa Đại tá?
Đại tá Mạc Đức Trọng: Ban đầu khi hai cán bộ đầu tiên triển khai vào năm 2014, chúng ta phải mời một số tùy viên quân sự nước ngoài là đối tác của Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm. Nhưng sau 10 năm, chúng ta đã có những bước tiến đáng kể, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước và tổ chức quốc tế, góp phần nâng cao năng lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam.
Chúng ta đã tự đào tạo được các khóa sĩ quan cá nhân từ chính nguồn các cán bộ hoàn thành nhiệm kỳ công tác trở về. Tùy theo vị trí đã làm nhiệm vụ để huấn luyện lại cho các đồng chí tiếp theo. Chúng ta đã áp dụng huấn luyện tiền triển khai cấp đơn vị, điều này rất khó vì phải theo hệ thống chương trình, đào tạo, giáo trình của Liên hợp quốc với rất nhiều nội dung. Không thể nào đưa cả một đơn vị ra nước ngoài huấn luyện được. Có thể khẳng định, chúng ta đã chủ động hoàn toàn được huấn luyện tiền triển khai ở cấp đơn vị.
Đối với đào tạo quốc tế, trong 10 năm, từ không có kinh nghiệm, phải nhờ giáo viên, giảng viên nước ngoài đến giảng dạy, sau đó là kết hợp giảng viên, giáo viên quốc tế với trong nước, đến nay chúng ta đã tổ chức được các khóa huấn luyện chuyên môn cao, phối hợp giữa quốc tế và Việt Nam, tổ chức tại Việt Nam để đào tạo cho học viên các nước trong khu vực và quốc tế.
Có thể nói con đường để trở thành trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình mang tầm vóc khu vực và quốc tế của Việt Nam đang hình thành và đạt kết quả tốt. Chúng ta chưa nói rằng mình đã đạt tầm vóc khu vực và quốc tế, nhưng chúng ta đang làm tốt để hướng tới đạt được mục tiêu đó, đang xây dựng những khóa học có cả quốc tế tham gia mà chúng ta đứng trên bục giảng của chính mình, đưa những kinh nghiệm của Việt Nam đến với quốc tế. Đó là con đường đi đúng đắn và tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đó trong thời gian ngắn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại tá!
Theo BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Huấn luyện cấp cứu trong chiến đấu cho lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam
25/11/2024Ngày 25-11, tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc Khóa huấn luyện Cấp cứu cấp độ 1 trong chiến đấu năm 2024 do Pháp hỗ trợ cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) của Việt Nam.
Quân khu 1 gặp mặt, biểu dương lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
14/11/2024Chiều 14-11, Quân khu 1 tổ chức gặp mặt, biểu dương 28 đồng chí tham gia Đội Công binh số 2 làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei. Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó tư lệnh Quân khu 1 chủ trì buổi gặp mặt.
Sĩ quan gìn giữ hòa bình huấn luyện Luật Nhân đạo Quốc tế và nhận biết vật liệu nổ
12/11/2024Ngày 12-11, tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã khai mạc Khóa huấn luyện Luật Nhân đạo Quốc tế và nhận biết vật liệu chưa nổ cho sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân năm 2024, do Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) hỗ trợ.
Triển lãm ảnh “Nữ quân nhân Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”
25/10/2024Sáng 25-10, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh “Nữ quân nhân Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”.
Chuyên gia Pháp chia sẻ kinh nghiệm lái xe hai cầu cho sĩ quan gìn giữ hòa bình của Việt Nam
24/10/2024Sáng 24-10, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Pháp tại Việt Nam tổ chức khai mạc Khóa huấn luyện lái xe hai cầu cho hơn 30 sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân năm 2024.